Năm 2023 được dự báo là một năm nhiều khó khăn, thách thức với doanh nghiệp. Trong bối cảnh biến động liên tục, các tổ chức sẽ chuyển đổi để thích ứng như thế nào, văn hóa doanh nghiệp (VHDN) và truyền thông nội bộ (TTNB) cần tập trung vào điều gì để củng cố nội lực cho doanh nghiệp. Cùng Ms Trúc làm rõ 5 ưu tiên về văn hoá và truyền thông nội bộ giúp doanh nghiệp sẵn sàng vượt qua một năm 2023 thách thức phía trước.
1.Gắn kết hơn trong khó khăn với những niềm tin cốt lõi
Đối mặt với những khó khăn được dự báo trước, một số doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án cắt giảm chi phí, nhân sự ngay từ thời điểm cuối năm 2022. Điều này cũng tác động trực tiếp đến người lao động. Họ có thể bị giảm lương, thậm chí mất việc hoặc bị quá tải, kiệt sức. Gắn kết nhân viên bằng những yếu tố phi vật chất càng trở nên cần thiết và cấp bách. Vai trò của truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp do đó càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Nền tảng cốt lõi của văn hoá doanh nghiệp là Sứ mệnh – Tầm nhìn – Giá trị cốt lõi. Sứ mệnh trả lời câu hỏi: Chúng ta là ai, chúng ta ở đây vì điều gì? Tầm nhìn là đích đến cho phép chúng ta biết sẽ đi về đâu. Giá trị cốt lõi là kim chỉ nam cho mọi hành động để đạt đến tầm nhìn đó. Càng trong khủng hoảng, doanh nghiệp càng cần kiên định với những niềm tin cốt lõi, vượt qua khủng hoảng bằng chính những giá trị mà tổ chức đồng lòng tin tưởng.
Sự gắn kết mà các tổ chức cần ưu tiên đó là để nhân viên thực sự trải nghiệm sứ mệnh lớn của tổ chức. Một công việc có ý nghĩa sẽ tạo động lực để nhân viên đồng hành cùng tổ chức vượt qua khó khăn. Trên hành trình đó, tầm nhìn cũng cần phải được truyền thông liên tục để củng cố niềm tin. Những hành động tốt đẹp trong khó khăn cần được phản ánh qua lăng kính của giá trị cốt lõi. Và nếu nền tảng văn hoá doanh nghiệp không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại và định hướng tương lai, hãy mạnh dạn điều chỉnh.
2.Nhân viên tuyến đầu trở thành trọng tâm của trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm khách hàng
Nhân viên tuyến đầu là người hiểu rõ khách hàng nhất. Nhân viên tuyến đầu có trải nghiệm tốt về nơi làm việc, các trải nghiệm khách hàng cũng sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là những người làm TTNB và VHDN thường ưu tiên hơn lịch trình của các nhà lãnh đạo và sự bận rộn ở hội sở mà “bỏ quên” những anh hùng “nơi tiền tuyến”.
Dường như vẫn còn nhiều khoảng cách giữa trụ sở chính với những nhân viên tuyến đầu. Công cụ giao tiếp của nhiều tổ chức thường không được thiết kế để tối ưu trải nghiệm của nhân viên tuyến đầu, ví dụ thời gian di chuyển liên tục trên đường phố hay việc họ sử dụng thiết bị di động thay vì máy tính.
Thực tế, nhân viên tuyến đầu còn được coi là “bộ mặt” của công ty. Mọi hành động của họ đều phản ánh trực tiếp những thông điệp về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị của doanh nghiệp. Nếu việc truyền thông đến nhóm đối tượng này bị đứt gãy, họ sẽ có những hành vi đi lệch với tổ chức. Việc lắng nghe tiếng nói của họ và hành động theo phản hồi đó vừa hỗ trợ nâng cao trải nghiệm nhân viên, vừa tăng trải nghiệm khách hàng, sẽ mang đến nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.
3.Email chưa “hết thời”
Theo báo cáo “State of the Sector 2022” của Gallagher (trên cơ sở khảo sát 1.300 tổ chức trên toàn cầu), email vẫn là kênh chính được sử dụng phổ biến nhất và hiệu quả nhất với 94% người khảo sát lựa chọn.
Trong bối cảnh các nền tảng giao tiếp như Tiktok, Facebook… nổi lên như “con dao hai lưỡi” cho truyền thông nội bộ, một số cho rằng đây sẽ là xu thế kênh nội bộ trong thời gian tới, mang lại sự tươi mới, hấp dẫn, thu hút cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, chúng cũng đi kèm với hàng loạt cái “bẫy” nội dung khác. Trong năm 2023, người lao động sẽ càng phải nỗ lực hơn, bận rộn hơn. Họ muốn chuyên tâm hơn cho công việc, tạo hiệu suất cao hơn mà không muốn bị phân tán khi phải tiêu dùng nội dung trên nhiều kênh khác hay nhận các thông tin một cách rời rạc. Bởi vậy, email là một kênh linh hoạt, dễ sử dụng và giúp doanh nghiệp trao đổi thông tin một cách tinh gọn, hiệu quả.
Điều này không có nghĩa người làm truyền thông nội bộ có thể áp dụng những cách thức cũ để sản xuất nội dung. Thách thức lớn nhất khi sử dụng email để truyền thông là làm sao cho nội dung bớt khô khan, nhàm chán, tránh đưa tin một chiều. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tích hợp một số công cụ theo dõi trong hệ thống email và trang đích để đo lường hiệu quả, từ đó có điều chỉnh phù hợp với nhóm mục tiêu.
4.Lắng nghe và điều chỉnh liên tục dựa trên dữ liệu
Nhân viên ngày càng muốn có tiếng nói trong tổ chức nơi họ làm việc và tổ chức cũng có xu hướng lắng nghe nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện cho nhân viên chia sẻ ý kiến về những vướng mắc của họ hay các vấn đề của tổ chức, mà còn là khuyến khích họ cùng suy nghĩ, tham gia, đóng góp giải pháp cho các vấn đề.
Người làm VHDN và TTNB ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc liên tục lắng nghe để nhìn ra vấn đề và có những điều chỉnh phù hợp. Không chờ đến các cuộc khảo sát hay đánh giá định kỳ, việc lắng nghe cần phải được thực hiện thường xuyên hơn và dữ liệu từ lắng nghe nhân viên sẽ là căn cứ ra quyết định cho các nhà lãnh đạo, đặc biệt là ở những tổ chức theo đuổi triết lý “lấy nhân viên làm trung tâm”.
5.Doanh nghiệp Việt quan tâm hơn đến các xu thế DEI, ESG
Hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn, các doanh nghiệp bắt đầu chú ý đến quản trị bền vững theo tiêu chuẩn toàn cầu như một lẽ tất yếu.
ESG là cụm từ viết tắt cho E-Environmental (môi trường), S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG hiện đang là xu hướng toàn cầu mang tính chiến lược và cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển bền vững trong dài hạn của hầu hết các doanh nghiệp. Tại Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững của họ và đưa ra các tiêu chí cụ thể về E-S-G, như: định hướng môi trường đến năm 2030 phải giảm 30% các khí phát thải; hay liên quan đến sức khỏe và lợi ích của người lao động…
Còn DEI là viết tắt cho đa dạng (Diversity), bình đẳng (Equity) và hòa nhập (Inclusion) được nhiều doanh nghiệp áp dụng vào chiến lược nhân sự. DEI tập trung vào việc đa dạng hóa và tạo nên những cơ hội bình đẳng cho người lao động, bất kể giới tính, độ tuổi, chủng tộc hoặc văn hóa.
ESG và DEI cũng là hai từ khóa được ứng viên quan tâm khi tìm kiếm một nơi làm việc mới. Đặt mối quan tâm này trong bối cảnh của năm 2023, khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thay đổi (sự tham gia của thế hệ gen Z vào thị trường lao động, những biến động của kinh tế – xã hội, tỷ lệ nhảy việc ngày càng cao…), việc thu hút nhân tài càng trở nên khó khăn hơn. Người đi làm có xu hướng ưa thích làm việc cho những doanh nghiệp hướng đến giá trị bền vững.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tiếp cận và ưu tiên với những chủ đề này khác nhau tùy thuộc vào ngành nghề, quy mô. Nhìn chung, việc thực hành ESG hay gắn đa dạng, công bằng, hòa nhập vào văn hóa đòi hỏi phải tổ chức phải nhìn nhận nó như xu thế tất yếu của doanh nghiệp để hội nhập toàn cầu.